Ý nghĩa hoa hồng môn

hồng môn

Màu đỏ của bông hoa như một ngọn lửa đang cháy, một trái tim đang rực cháy, một ngọn lửa của tình yêu, thật cuồng nhiệt và mãnh liệt. Hoa hồng môn đại diện cho một loài hoa tình yêu.

Hoa hồng môn, nghe cái tên thôi là cứ ngỡ là hoa hồng nhưng thực chất chữ hồng chỉ thể hiện màu hồng của hoa. Cùng họ với hoa hồng môn còn có hoa bạch môn, loài hoa này có màu đỏ hồng nên người ta gọi là hồng môn.
Hoa hồng môn xuất xứ từ những rừng mưa nhiệt đới Nam Mỹ. Năm 1889, Hoa hồng môn được một nhà truyền giáo người Anh tên là S.M.Damon đem từ Colombia đến Hawaii qua London. Bén duyên với quê hương mới, ngày nay hoa hồng môn đã trở thành một trong những bông hoa đặc trưng cho xứ đảo Hawaii, được người dân nơi này yêu mến gọi là “trái tim Hawaii”.
Có câu chuyện như sau:
Ý nghĩa hoa hồng môn
“Anh nói với mẹ thêu cho em ngọn lửa hồng trên áo. Nhắc mẹ thêu nho nhỏ nghe anh, vì em không muốn bạn bè tưởng rằng mình chưng diện. Cuộc đời đâu phải là sân khấu để cho con người lừa nhau bằng những lớp áo hóa trang. Em chỉ muốn tự nhắc nhủ mình cần phải giữ mãi ngọn lửa trong tim.
Ngọn lửa hồng ấy sẽ là dấu hiệu để bạn bè nhận ra nhau như bảng tên trường gắn trên ngực áo. Em mơ một ngày nào đó, nhiều người sẽ in hay vẽ những ngọn lửa hồng nho nhỏ trên khăn áo, túi sách, trên bảng hiệu, cửa nhà, vườn cây, hàng hóa.
Chẳng ai nói với ai, nhưng thấy hình ngọn lửa ở đâu là hiểu ngay ở đấy có một người trung thực. Mình có thể tin tưởng như một người bạn tốt vì người ấy đang giữ trong lòng ngọn lửa yêu thương. Khi ấy mẹ sẽ chẳng còn phải thức khuya để thêu áo cho em.”
Qua câu chuyện này ta có thể thấy rằng hoa hồng môn thể hiện tình cảm chân thành không gian dối, một tình cảm nồng ấm, một sự thanh lịch và tao nhã.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng môn

Đất trồng: Đất cần tươi xốp, giữ độ ẩm tốt,  có thể sử dụng Đất sạch trộn sẵn đang có mặt trên thị trường. Tùy vào nhu cầu trồng hồng môn cắt hoa hay chưng chậu mà chúng ta có thể trồng luống hoặc trồng thẳng vào chậu.

Làm luống: rộng 1,6m, dài tùy theo khổ đất. Xung quanh có bờ để đổ vật liệu vào dày khoảng 20cm. Trồng hàng cách hàng 40x40cm.

Hoa hồng môn
Hoa hồng môn

Từ nguồn giống nhập nội của Trung Quốc, sau nhiều năm tập trung nghiên cứu, tuyển chọn, xây dựng mô hình thử nghiệm, Viện Nghiên cứu rau quả khuyến cáo các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là đồng bằng sông Hồng đưa vào sản xuất đại trà theo phương pháp trồng chậu 2 giống hoa hồng môn Alabama và Champion.

Kết quả khảo nghiệm và xây dựng các mô hình sản xuất thử ở Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh và Sơn La cho thấy: Trong điều kiện miền Bắc Việt Nam, 2 giống hoa hồng môn này có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt (tỷ lệ sống xấp xỉ 90%, thời gian ra hoa <150 ngày), khả năng ra nhánh và ra hoa cao (sau trồng 1 năm mỗi cây cho 3 – 4 nhánh, 5 – 6 hoa/cây), khả năng nhiễm sâu bệnh hại ở mức thấp, hoa đỏ tươi và đỏ thẫm.

2 giống trên đã được nông dân một số địa phương đưa vào trồng chậu để kinh doanh đem lại lợi nhuận cao như Gia Lâm (Hà Nội), Như Quỳnh, Văn Lâm (Hưng Yên), Hoành Bồ (Quảng Ninh), Mộc Châu (Sơn La)… Xin giới thiệu quy trình sản xuất của Viện Nghiên cứu rau quả để bà con tham khảo, vận dụng.

Trồng và chăm sóc hoa hồng môn:

– Yêu cầu ngoại cảnh: Hồng môn là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ưa mát, chịu được bóng râm và độ ẩm cao. Độ ẩm thích hợp từ 70 – 80%, nhiệt độ từ 18 – 20oC. Nếu để chậu bị khô cây sẽ cho màu lá nhạt, ngược lại nếu tưới dư nước cây dễ bị thối do nhiễm bệnh. Nhiệt độ thấp (dưới 15oC) cây sinh trưởng kém, nếu để nhiệt độ cao (trên 30oC) cây bị vàng lá, cháy lá, thậm chí chết cây.

– Nhân giống: Có thể trồng cây từ gieo hạt, tách chiết cây con từ cây mẹ hoặc nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô từ lá. Với các cây con tách từ cây mẹ phải sau trồng từ 4 tháng trở lên và phải có ít nhất 3 – 4 lá. Dùng dao sắc tách cây con sát gốc, lấy rễ bèo tây bó lại ươm thêm một thời gian cho ra rễ rồi mới trồng vào chậu.

– Giá thể: Thành phần giá thể có thể thay đổi tùy theo điều kiện từng nơi bao gồm đất phù sa tơi xốp, phân chuồng hoặc phân hữu cơ đã được ủ hoai mục, trấu hun, xơ dừa… thành phần giá thể cho hoa hồng môn trồng chậu là 1/2 xơ dừa + 1/4 trấu hun + 1/4 phân chuồng hoai mục là phù hợp nhất.

– Thời vụ và cách trồng: Thời vụ trồng tốt nhất là trong tháng 3 dương lịch. Cách trồng: Đặt cây vào giữa chậu, lấp kín giá thể đến ngang phần cổ rễ và nén chặt cho rễ tiếp xúc tốt, xếp chậu vào chỗ râm mát hoặc trong nhà lưới có mái che để cây khỏi bị héo.

– Tưới nước: Trong thời gian đầu nên tưới vừa đủ ẩm 1 – 2 ngày/lần, khi cây lớn và nhất là thời kỳ ra hoa có thể tưới 1 – 2 lần/ngày tùy theo điều kiện thời tiết nhưng không để chậu cây bị úng nước dễ sinh bệnh, chết cây.

– Bón phân: Sau khi để nơi râm mát 10 – 15 ngày cần chuyển chậu sang khu vực dưỡng cây, có nhiều ánh sáng hơn. Bón phân tổng hợp NPK 16-16-8 cho cây khi thấy có biểu hiện vàng lá, kém phát triển. Ngoài ra bà con có thể phun thêm các chế phẩm như phân đầu trâu (tỷ lệ: 20-20-15 +TE), Atonik, B1… và che bớt ánh sáng (tỷ lệ sáng thích hợp là 70%) giúp cây sinh trưởng tốt, cho nhiều hoa, hoa to, màu sắc rực rỡ hơn.

– Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra và có các biện pháp phun phòng trừ các đối tượng dịch hại như nhện đỏ, sâu ăn lá, tuyến trùng, bệnh thối củ, thối gốc, thối thân… Cắt tỉa bớt lá già, làm sạch cỏ trong chậu để tạo độ thông thoáng, duy trì  độ ẩm và ánh sáng thích hợp nhằm hạn chế nấm bệnh phát sinh, phát triển và gây hại./.