Vườn lan tiền tỷ trên cao nguyên Mộc Châu

Vườn lan tiền tỷ

Bà Khoa Thị Lời, tiểu khu Nhà nghỉ, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu (Sơn La) mê lan đến độ quên ăn, quên ngủ, có thời gian cứ có tiền là bà “nướng” vào hoa lan. Niềm đam mê đó đã thôi thúc bà sưu tầm, gây dựng lên vườn lan tiền tỷ trên cao nguyên Mộc Châu.

Vườn lan của bà Lời rộng chừng 1.000 m2, nằm gần ngã ba Quốc lộ 6, Mộc Châu – Hà Nội, thuận tiện cho khách đến tham quan, chọn mua cho mình những giò lan ưng ý nhất. Bên trong vườn, phía trái là giàn lan rừng với hàng nghìn giò lan các loại, được treo theo tầng, lớp, kéo dài cả trăm mét. Phía bên phải vườn là sự hiện diện của hơn 1.000 chậu địa lan, hồ điệp, vũ nữ… đang độ nở hoa, khoe sắc, được kê, đặt ngay ngắn, thẳng hàng, thẳng lối.

https://caykieng.farmvina.com/trong-hoa-lan-tai-nha/

Trao đổi với Dân việt, bà Lời cho biết: Vốn yêu thích nông nghiệp, nhất là đối với hoa lan, cây cảnh ngay từ hồi nhỏ, nhưng phải đến năm 2006, bà Lời mới có điều kiện chơi lan. Bà bắt đầu sưu tầm, chọn mua những giò lan rừng đẹp, quý hiếm của bà con người Mông, người Thái bán dong ngoài phố huyện. Bộ sưu tập lan rừng của bà mỗi ngày một nhiều hơn với các loài lan mà bà tâm đắc.

“Tôi từng công tác tại Công ty Bảo hiểm Bảo việt Sơn La, chi nhánh Mộc Châu làm công việc ở văn phòng, nhưng vì yêu thích lan rừng nên tôi tình nguyện xin đi cơ sở. Cứ sau mỗi chuyến công tác ở cơ sở về là vườn lan của tôi lại có thêm một vài giò lan rừng quý, hiếm. Có lần, vì vội đuổi theo để mua giò quế lan hương của anh nông dân người Mông mà tôi trật cả khớp chân…” – bà Lời nhớ lại.

Ngồi bên cạnh vợ, ông Trần Huy Cường (chồng bà Lời) xuýt xoa: “Bà ấy mê lan đến độ thường xuyên quên cả việc nấu cơm cho chồng, con. Có bao tiền bà ấy cũng “nướng” cả vào lan. Có đêm trời mưa to, hai vợ chồng đang ngủ, bà ấy chồm dậy, chạy ra vườn chỉ để đem giò lan quý vào trong nhà. Hễ nghe nơi nào có lan quý là bà ấy phải đến xem cho bằng được…”.

Năm 2013, bà Lời bị ung thư vú. Phần vì không có tiền chữa bệnh, phần vì nghĩ mình không thể chăm sóc lan được nữa nên bà Lời đã bấm bụng bán hết vườn lan rộng chừng 80 m2, với gần 1000 giò lan rừng, trong đó có nhiều loài lan quý, hiếm như: quế lan hương, giáng hương tam bảo sắc, lan đuôi chồn, lan đuôi cáo…

“Năm 2013 là năm đen đủi nhất của gia đình tôi. Tôi vừa khỏi bệnh thì lại đến lượt chồng tôi phải nằm viện vì bệnh ung thư gan. Tôi phải bán đất đai, nhà cửa, vay mượn thêm anh em bè bạn để lấy tiền chữa bệnh cho chồng tôi. Lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, tôi quyết định xin nghỉ việc, chuyển sang kinh doanh lan. Nhờ khoản thu nhập kha khá từ lan mà kinh tế gia đình tôi dần ổn định…” – bà Lời cho hay.

Sẵn có kinh nghiệm chăm sóc lan từ trước, năm 2014, bà Lời chuyển sang sưu tầm, nhân giống, kinh doanh lan chứ không chơi lan vì niềm đam mê đơn thuần như trước. Mảnh vườn rộng chừng 1.000 m2 mà bà rao bán không thành trước đó, giờ bạt ngàn màu xanh, sắc hoa rực rỡ của các loài phong lan, địa lan.

vườn lan tiền tỷ
Vườn lan của bà Lời thu hút nhiều khách đến tham quan, chọn mua cho mình những giò lan mà mình yêu thích

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng phong lan, địa lan, bà Lời cho hay: Sau khi mua về những giò lan nhỏ xíu của bà con người Mông, người Thái, tôi cắt hết các rễ già, rồi diệt khuẩn, khử trùng bằng nước vôi trong. Sau đó, tôi để giò lan vào chỗ dâm mát một thời gian nhất định rồi mới đưa ra nắng. Phong lan rừng không ưa nắng trực tiếp nên tôi làm hệ thống mái che bằng lưới đen, giúp lan sinh trưởng, phát triển tốt.

“Khâu chọn giá thể trồng lan rất quan trọng, quyết định đến sự sinh trưởng và phát triển của lan. Đối với dòng lan thân thòng như: phi điệp tím, long tu xuân, hoàng thảo vôi… tôi trồng trên giá thể gỗ lũa, mảng cây dớn. Còn với địa lan rừng trần mộng, địa lan sa to tôi lại sử dụng rễ cây tổ quạ làm giá thể trồng…” – bà Lời vui vẻ nói.

Theo bà Lời, để lan nở hoa đẹp, cần chú ý tới khâu chăm sóc, bón phân. Tùy từng giai đoạn phát triển của lan mà bà sử dụng phân chủng loại, liều lượng phân bón cho phù hợp. Đối với những loại lan vào thời kì rụng lá hay còn gọi là mùa nghỉ của lan, bà Lời ngừng hẳn việc tưới nước cho lan. Vào thời kì phát triển ngồng hoa, bà cho lan “ăn” phân nhiều lần…

Nhờ chăm sóc đũng kĩ thuật, vườn lan của bà Lời sinh trưởng, phát triển tốt, nở hoa đẹp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mỗi năm, bà Lời lãi trên dưới 300 triệu đồng từ bán lan cho khách.

Thanh niên 8x vượt khó trồng lan rừng thành công

lan rừng
Ngoài công việc chính là nhân viên ngân hàng, Vũ Huy Hoàng còn dành đam mê cho cây cảnh và võ thuật. Võ sư trẻ đang sở hữu một vườn lan rừng cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng mỗi năm ở Đà Lạt.

Năm 2003, Hoàng một mình từ Thanh Hóa lên vùng đất cao nguyên học đại học, ngành tài chính kế toán. Cũng như bao sinh viên nghèo khác, Hoàng phải tìm việc làm thêm ở các nhà vườn để trang trải việc học, bớt gánh nặng cho gia đình.

Ban đầu, qua bạn bè giới thiệu, Hoàng đến làm công cho những chủ vườn hoa cúc, hồng ở Đà Lạt. Do thích nghi nhanh, không lâu sau từ việc phải đảm nhận những khâu nặng nhọc do không có tay nghề, Hoàng đã được chủ vườn giao việc tỉa cành, hoa, cắt ghép… Ngoài học hỏi từ chủ vườn, Hoàng dành nhiều thời gian để tra cứu tài liệu, nhưng ban đầu cũng chỉ trồng vài giò treo trong nhà trọ cho vui.

lan rừng
Vũ Huy Hoàng có niềm đam mê đặc biệt với lan rừng.

Tốt nghiệp đại học, Hoàng xin việc ở huyện Đức Trọng (cách Đà Lạt 30km). Khi tương đối ổn định, anh bắt đầu thực hiện đam mê với lan rừng và võ thuật. Lúc đầu vì ít vốn, Hoàng chỉ gây giống lan rừng để chơi như thú tiêu khiển, còn ban ngày đi làm ở cơ quan, ban đêm huấn luyện võ thuật.

Năm 2012, thấy nhu cầu chơi lan rừng rất lớn, Hoàng quyết định đầu tư 50 triệu đồng trồng 100m2 đất đầu tiên. Lần thử nghiệm này khá thành công nên bước qua năm sau, anh quyết định vay 400 triệu mở rộng diện tích vườn lên 600m2, đồng thời thành lập doanh nghiệp trồng, kinh doanh lan. Sản phẩm từ vườn của Hoàng không đủ cung cấp cho thị trường miền Bắc và miền Trung nên anh nhận bao tiêu thêm sản phẩm cho nhiều vườn lan khác. Hoàng cho biết, doanh thu năm 2014 từ việc trồng và kinh doanh lan rừng của anh đạt gần 2,5 tỷ đồng, lãi trên 500 triệu.

Để đa dạng sản phẩm cung cấp cho thị trường, Hoàng dạn nhập thêm giống từ Pháp, Thái Lan, Đài Loan nên hiện trong vườn của anh có trên 30 loại lan rừng khác nhau. Ngoài ra, Hoàng còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu, duy trì nguồn gen, đặc biệt là những giống lan đặc hữu của vùng cao nguyên như long tu, giã hạc Di Linh, châu như, thủy tiên mỡ gà…

Chia sẻ về thành công đến khá nhanh chỉ sau thời gian ngắn chuyển sang làm chuyên nghiệp, Hoàng cho rằng phải luôn tìm tòi để có sản phẩm mới và chú ý đến thị hiếu của người chơi. Hiện anh đang tập trung phát triển các giống lan thân thòng (giống lan thân dài, rủ xuống) do thị trường ưa chuộng. Dòng lan này dễ chăm sóc, nhân giống tốt và có giá trị kinh tế cao.

Quốc Dũng

Trồng hoa ly thành tỷ phú 35 tuổi

trồng hoa ly
Mấy năm gần đây, thu nhập của người dân ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã có bước chuyển rõ rệt. Một trong những người có công đầu làm nên sự chuyển biến đó là anh Bùi Tuấn Hải (35 tuổi) ở thôn Tháp Thượng- người giờ đây đã trở thành tỷ phú nhờ trồng hoa ly.

Duyên nợ với loài hoa quý

Tìm đến thăm nhà vườn trồng hoa ly của anh Hải vào những ngày đầu xuân, dù trời rét, mưa phùn liên miên, anh Hải vẫn cặm cụi ngoài vường chăm sóc từng bông hoa ly. Thong thả dẫn chúng tôi đi thăm quan nhà vườn, anh Hải kể, năm 2010, có người cháu bắt được mối quen với một chủ hoa người Đà Lạt. “Khi đó, họ đặt vấn đề muốn tôi cùng đầu tư vào một dự án trồng hoa ly với mức vốn tham gia khoảng 500 triệu đồng. Tôi nghe thấy cũng phải giật mình, nhưng sau một vài ngày suy nghĩ, bàn với vợ, tôi đã quyết định làm liều đi vay lãi ngân hàng để tham gia dự án”- anh Hải nói.

trồng hoa ly
Anh Hải kiểm tra chất lượng hoa ly lứa muộn để chuẩn bị xuất bán tại nhà vườn của gia đình ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội).

Ngay sau đó, anh đã đầu tư thuê đất ở huyện Thạch Thất trồng 3 mẫu hoa ly, thu hoạch bán vào đúng tết nên đã có lợi nhuận “khủng”. Sau khi trừ mọi chi phí đầu tư, trả cả vốn, lãi cho ngân hàng, gia đình anh vẫn còn được chia lãi trên 200 triệu đồng.
Sang năm 2011, sẵn kiến thức và kỹ thuật học được, anh Hải cùng với một người cháu của mình đã quyết định tách riêng để đầu tư trồng hoa ly với mức vốn ban đầu hơn 1 tỷ đồng. Nhưng vụ đầu, do thời tiết thất thường, cộng với kinh nghiệm còn non nên anh mua phải giống kém chất lượng. Điều đó đã khiến cho 2 người chịu lỗ nặng nề, mất hơn 500 triệu tiền vốn.

“Rút kinh nghiệm từ thất bại, bước vào năm 2012, nhờ làm cẩn thận, đầu tư công sức nhiều vào hoa, cả năm 2 chú cháu lãi được gần 1 tỷ đồng”- anh Hải phấn khởi khoe.

Góp phần thay đổi bộ mặt quê hương

Khi số vốn đã hòm hòm, anh Hải đã tách hẳn ra làm một mình. Anh đầu tư mua vào hơn 20 vạn cây giống loại 1 tốt nhất và ngay trong dịp tết vừa qua, anh đã thu lãi trên 1 tỷ đồng.

Hiện nhà vườn trồng ly của anh Hải rộng hơn 5 mẫu, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động của địa phương với mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng. “Thuê người dân đến làm là để họ kiếm thêm thu nhập, song điều quan trọng hơn cả là mình đào tạo nghề cho họ, sau khi về họ có thể tự đầu tư làm giàu cho gia đình, phát triển kinh tế, đóng góp vào bộ mặt nông thôn mới của xã” – anh Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Huy Hoàn – Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng, cho biết: “Anh Bùi Tuấn Hải là một thanh niên gương mẫu, đi đầu trong phát triển nghề trồng hoa ly – một loại hoa mới cho thu nhập cao – của xã. Nhờ anh giúp đỡ dạy và phát triển nghề mà đến giờ xã đã có 10 hộ trồng hoa ly trên diện tích 10ha và đều có thu nhập từ 400 đến hơn 1 tỷ đồng, đóng góp vào tiêu chí thu nhập, tạo thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới của xã.

Theo ông Hoàn, thời gian tới xã sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng hoa ly và các loại cây nông nghiệp cho thu nhập cao như cà chua, đủ đu lai…, nâng thu nhập của người dân lên trên 30 triệu đồng/người/năm, đứng đầu các xã nông thôn mới của thủ đô.

  Trong 3 năm gần đây, đã có hàng chục thanh niên từ các tỉnh của miền Bắc lứa tuổi từ 25 đến 35, tìm đền vườn của anh Hải xin học nghề. Anh Hải vui vẻ nói: “Có bao nhiêu kinh nghiệm tôi đã truyền hết cho họ và giờ có nhiều người đã thành danh ở các tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên…, mong là trong những năm tới dạy nghề được nhiều hơn cho thế hệ thanh niên nữa”.

Nắm bắt thời cơ với hoa hồng giúp anh Đồng làm giàu

hoa hồng

Thời cơ với hoa hồng: Đến là bắt

Việc nắm bắt thời cơ với hoa hồng và chuyển đổi hợp lý từ trồng rau màu sang hoa hồng, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã giúp gia đình anh Phạm Quốc Đồng (39 tuổi, P.4, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

thời cơ với hoa hồng
Nắm bắt thời cơ với hoa hồng: Anh Phạm Quốc Đồng đang chăm sóc hoa hồng trong vườn của mình

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân ở TP.Đà Lạt nên Phạm Quốc Đồng đã quen với cảnh “chân lấm tay bùn” từ lúc còn nhỏ. Cũng do gia cảnh khó khăn, học đến cấp 3, Đồng nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nông.

Năm 2.000, Đồng lập gia đình, khi “ra riêng” được bố mẹ cho 1 sào đất (1.000 m2) để làm nông. Ban đầu, anh tiếp tục gắn bó với cây rau, nhưng giá rau bấp bênh nên cuộc sống không ổn định.

Không chấp nhận tình cảnh này, Đồng đi khắp các nhà vườn ở địa phương để tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất phù hợp. “Thấy một số người trồng hoa hồng mang lại hiệu quả, mình tìm hiểu kỹ rồi về bàn với vợ chuyển đổi một ít đất sang trồng thử loài hoa này.

Thật bất ngờ, hiệu quả mang lại tốt hơn việc trồng rau nên sau đó gia đình mình chuyển hết diện tích sang trồng hoa hồng trong nhà kính”, anh Đồng kể.

Sau khi có nguồn hoa, đích thân anh Đồng đến nhiều tỉnh thành tìm đầu mối tiêu thụ hoa với giá ổn định. Làm ăn có hiệu quả, gia đình anh mua thêm 2,5 sào đất (2.500 m2) rồi đầu tư nhà kính tiếp tục trồng hoa hồng. “Khoảng 4 năm trước, mình đã đầu tư thêm hệ thống tưới nhỏ giọt để phục vụ trồng hoa, phân bón cho cây được đưa qua hệ thống này.

Từ đó năng suất tăng lên đáng kể, hơn 30%, đồng thời tiết kiệm được nhiều chi phí khác như: công lao động, nước tưới, phân bón (chỉ bằng một nửa so với trước kia) và đặc biệt là cây ít bị nấm bệnh hơn, do dùng hệ thống tưới nhỏ giọt này cây không bị ướt lá nhiều như tưới bình thường nên độ ẩm cũng ít hơn…”, anh Đồng nói.

Hiện bình quân mỗi tháng, vườn hoa hồng cho thu hoạch 40.000 bông, với giá bán bình quân 1.000 đồng/bông, mang doanh thu về cho gia đình anh gần nửa tỉ đồng/năm. Anh Đồng cho biết thêm, với sản lượng này anh không đủ hàng cung cấp cho thị trường nên mới đây đã thuê 1.500 m2 đất tiếp tục đầu tư sản xuất.

Anh Phạm Quốc Đồng chia sẻ: “Với nghề trồng hoa này, ngoài việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn đòi hỏi người trồng phải có tính cần cù, chịu khó chăm cây “như chăm em bé”.

Thường xuyên chăm sóc mới thấy được cây bị bệnh gì, sâu gì để biết xử lý kịp thời cho cây phát triển, bởi cây hoa hồng nếu bị nấm bệnh mà không biết để chừng 3 ngày là rụng lá hết và coi như hỏng ăn nguyên cả một lứa, sau đó vực lại cũng rất khó khăn”.

Hoa nở đất phèn

hoa sứ

Không chỉ thành công với vườn hoa sứ giống ngay trên đất nhiễm phèn, mà còn có thể làm giàu nhờ xuất khẩu sang Nhật.

Qua đoạn đường ngoằn ngoèo, bùn đất lấm lem chúng tôi tìm đến nhà ông Trương Văn Phượng (57 tuổi, ngụ F33/75A, đường Kênh T2, ấp 6, xã Hưng Long, H.Bình Chánh, TP.HCM) và thực sự ngỡ ngàng trước hàng ngàn chậu hoa sứ các loại được sắp xếp ngăn nắp theo kiểu bậc thang. Trong suốt cuộc trò chuyện ông khiến người đối diện như lạc vào thế giới của cây kiểng bằng những khó khăn gặp phải trong quá trình chăm sóc hoa sứ, rồi sự phản đối kịch liệt từ gia đình, người thân hay những chuyến ông sang tận Thái Lan để tìm tòi, học hỏi và mang những giống mới về thử nghiệm.

hoa sứ
Nghệ nhân Hai Phượng với cách trồng sứ giống trong chậu được kê cao trên đất phèn – Ảnh: Đức Tiến

“Lúc đó ai cũng ngăn cản vì nghĩ ở nơi khô cằn, phèn mặn này thì làm sao mà thành công được. Mà có thành công thì ai mà vô chốn heo hút này để mua hoa sứ? Nhưng tôi vẫn quyết định dùng 3.000 m2 đất để trồng hoa sứ vì nghĩ mình kiên trì thì sẽ thành công”, ông Phượng nói.Bén duyên với nghề trồng hoa sứ trong một lần về Sa Đéc (Đồng Tháp) thăm người bác ở làng hoa nổi tiếng Tân Quy Đông và “phải lòng” con gái của một nghệ nhân trồng cây kiểng nơi đây. Sau 10 năm tích lũy kinh nghiệm ở quê vợ, năm 2002 ông quyết định một mình trở lại mảnh đất nhiễm phèn, nhiễm mặn Hưng Long ở quê hương để theo đuổi nghiệp trồng hoa sứ.

Trong năm đầu tiên, 500 hạt hoa sứ gieo xuống là biết bao mồ hôi và cả hy vọng về sự đổi đời trên mảnh đất khô cằn, nghèo khó. Dù không phát triển tốt như ở Sa Đéc nhưng nhờ sự tỉ mỉ, bền bỉ của ông những cây hoa sứ đâm chồi, nảy lộc, ra hoa kết trái xóa tan mọi hoài nghi của gia đình. Lấy hạt từ những cây có được ông mạnh dạn gieo tiếp 5.000 cây. Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nguồn ông thực hiện cắt, ghép và cho ra đời hàng trăm giống sứ khác nhau. Tạo ra những giống mới chất lượng, giá cả hợp lý nên vườn hoa sứ của ông ngày càng được nhiều người quan tâm tìm đến thu mua.

Năm 2008, từ uy tín và kinh nghiệm của mình ông thành lập CLB Hoa Sứ đầu tiên với 10 thành viên. Và hiện tại, số lượng đã lên đến hơn 40 người. Họp mặt đều đặn vào mỗi tháng để chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau bàn bạc, nghiên cứu để tạo ra những giống hoa sứ mới chất lượng hơn.

“Cây sứ nhìn vậy nhưng “khó chịu” lắm. Vào mùa mưa thường hay vàng lá, úng gốc nên mình phải đục lỗ sẵn phía dưới chậu. Thường xuyên theo dõi các loại bệnh để kịp thời xử lý. Đặc biệt là lúc thay chậu thì phải chọn những cây đặc rễ chứ không thì sẽ bị úng thúi”, ông Phượng chia sẻ kinh nghiệm.

Từ những mối quan hệ quen biết, năm 2012 ông móc nối được với những người kinh doanh hoa sứ và lần đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản 1.000 cây, thu về 100 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, mỗi năm ông cung cấp cho thị trường hơn 50.000 gốc sứ các loại. Hạt và cây sứ của ông đã có mặt khắp các tỉnh, thành mang lại thu nhập mỗi năm không dưới 300 triệu đồng.

Nữ tướng trồng hoa lily phố núi

hoa ly

Một lần đến Bà Rịa-Vũng Tàu mua đất lập trang trại trồng cây ăn trái, chị Phương tình cờ gặp một người bạn gợi ý và mời chị lên Đà Lạt hợp tác trồng hoa lily.

Thỏa chí đam mê

Đến Đà Lạt, lần đầu tận mắt xem các trang trại hoa công nghệ cao ở làng hoa Vạn Thành, chị Phương mê ngay. Chị Phương nói: “Tôi mê hoa từ nhỏ, ban đầu nghĩ trồng 3 – 4 sào lily cho thỏa chí đam mê thôi, nhưng khi thấy hiệu quả lớn tôi quyết định mua đất mở trang trại trồng hoa”. Bước đầu, chị hợp tác bằng cách bỏ vốn đầu tư, còn người bạn phụ trách kỹ thuật canh tác. Từ năm 2008, chị Phương “ra riêng” và thuê 1 ha đất ngay tại làng hoa Vạn Thành để trồng lily.

trồng hoa lily
Kỹ thuật trồng hoa lily công nghiệp

Những vụ lily đầu tiên do chưa biết gì về kỹ thuật canh tác nên hoa phát triển èo uột, bị dịch bệnh vàng úa, bông nở không đều, bạn hàng chê lên chê xuống, ép giá. Dù thua lỗ nhưng chị Phương không nản chí, xem đó là “học phí” cho nghề mới. Chị lắng nghe những lời chê bai để tự rút kinh nghiệm, tìm đến các vườn lily để xem và học cách làm, bên cạnh đó tìm tài liệu học hỏi, nghiên cứu thêm. Chị bỏ tiền nhập giống lily từ Hà Lan, mạnh dạn thay đổi công nghệ trồng hoa trên đất sang trồng trên giá thể xơ dừa do chị tự chế biến. “Giá thể xơ dừa giúp kiểm soát được dịch bệnh, cây phát triển tốt, chất lượng hoa đồng đều” – chị Phương cho biết.

Liên tục mở rộng

Từ năm 2010, thương hiệu hoa lily “Tường Vy” của chị Phương được thị trường ưa chuộng vì chủng loại, màu sắc phong phú với 15 giống khác nhau. Cung không đủ cầu, chị Phương đến thôn B’Nơ B,

H.Lạc Dương (dưới chân núi Lang Biang) mua thêm đất để trồng lily. Hiện nay chị sở hữu trang trại chuyên canh lily lớn nhất Đà Lạt, diện tích 2,5 ha; toàn bộ lợp nhà kính, được lắp đặt hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt và phun sương tự động. Lý giải về thành công của mình, chị Phương nói: “Cần mẫn và chăm chỉ, thất bại không nản, phải chịu khó tìm tòi học hỏi và mạnh dạn đầu tư công nghệ mới”. Lily là hoa cao cấp, vốn đầu tư cao, nên người Đà Lạt chỉ dám trồng vụ Tết Nguyên đán. Còn chị Phương hằng tháng nhập giống từ Hà Lan về, cứ mỗi tuần đều đặn xuống giống, nên ngày nào cũng có hoa thu hoạch. Hiện nay, mỗi ngày trang trại Tường Vy cung cấp cho thị trường 1.500 bó lily (7.500 cành), giá bán từ 60.000 – 100.000 đồng/bó/5 cành (tùy giống, tùy màu); hoa xuất bán tại chợ Đà Lạt, đưa về TP.HCM, Nha Trang, Vũng Tàu, miền Tây… Chị Phương cho biết: “So với việc kinh doanh trước kia, trồng lily cho thu nhập cao hơn; trung bình mỗi năm trừ các chi phí đầu tư tôi thu lãi gần 3 tỉ đồng”. Chị Phương đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 30 người. Chị phải “kéo” hai người em trai từ TP.HCM lên phụ quản lý, điều hành sản xuất. Chị Phương đang tiếp tục mở rộng trang trại lily ở Lạc Dương lên 4 ha.